TRƯỜNG THCS KỲ NINH: TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC VÀ TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO HỌC SINH.
Sáng 19/4/2021, trường THCS Kỳ Ninh tổ chức truyền các kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho hơn 500 em học sinh
Hiên nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung đang xảy ra nhiều vụ đuối nước và tai nạn thương tích rất đáng thương tâm. Khắp mọi miền, các em học sinh tự rủ nhau tụ tập vui chơi, đi tắm mát ở sông suối, ao hồ, biển… Đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ và mùa hè thì các vụ tai nạn này nguy cơ xảy ra là rất cao.
Thực hiện kế hoạch số 137/KH-PGD ngày 09/4/2021 của phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh về Triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh năm 2021. Sáng thứ 2 - ngày 19/04/2021, trường THCS Kỳ Ninh tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và tất cả các học sinh trong nhà trường kiến thức về cách phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích. Đây là một hoạt động hết sức cần thiết đối với học sinh hiện nay, đặc biệt là học sinh vùng bãi ngang ven biển như địa bàn xã Kỳ Ninh vừa có nhiều sông, hồ, ao suối vừa có biển bao bọc.
Thầy giáo Hoàng Văn An báo cáo về kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước
Về tham dự buổi lễ, rất vinh dự có thầy giáo Nguyễn Minh Đạo- Bí thư chi bộ- Hiệu trưởng Nhà trường và cô giáo Trần Thị Mai Hương- Phó hiệu trưởng cũng rất quan tâm, nhắc nhở các em học sinh đến vấn đề tuyên tuyền phòng chống đuối nước cho các em trên địa bàn xã Kỳ Ninh nói riêng và khắp mọi nơi nói chung.
Thầy Giáo: Nguyễn Minh Đạo
Chỉ đạo thực hiện nội dung tuyên truyền phòng chống đuối nước
Cô giáo Cao Thị Cúc - Tổng phụ trách Liên Đội trường đã kết hợp với nhóm giáo viên thể dục: Thầy giáo Hoàng Văn An và thầy giáo Lê Quang Thảo đã có bài phát biểu, tuyên truyền trước hơn 500 em học sinh và cán bộ, nhân viên của trường.
Các em học sinh được tuyên truyền về nguyên nhân và cách phòng chống đuối nước
Đuối nước và tai nạn thương tích là một tai nạn bất ngờ xảy ra khó lường trước được, gây ra những thương tổn thực thể trên cơ người, có thể mất cả tính mạng mọi lúc, mọi nơi ở lứa tuổi học sinh.Vì vậy tuyên truyền cho các em học sinh kiến thức cơ bản về nguyên nhân, cách phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích là rất cần thiết và thiết thực để các em có kỹ năng xử lí tốt các trường hợp đặc biệt khi vấp phải trong đời sống hàng ngày hiện nay, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc, thương tâm làm ảnh hưởng hoang mang đến nhiều người. Đây là một trong những kỹ năng được BGH Nhà trường đặc biệt chú trọng quan tâm giáo dục cho các em phòng , tránh tai nạn đuối nước và thương tích.
Sau khi điểm qua những con số về tai nạn đuối nước trên địa bàn Hà Tĩnh và toàn quốc, các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em học sinh trực tiếp tìm hiểu, thực hành, trải nghiệm các kỹ năng về phòng tránh đuối nước, cứu nạn, sơ cứu nạn nhân đuối nước.
1. Nguyên nhân dẫn đến đuối nước
1.1. Nguyên nhân khách quan
Do môi trường xung quanh trẻ có những yếu tố nguy cơ như:
- Chum vại, bể nước, giếng nước, chậu đựng nước... không có nắp đậy an toàn.
- Sông, hồ, suối, ao... không có biển báo nguy hiểm, rào chắn.
- Việc xây dựng, khai thác tràn lan vô ý thức để lại các hố sâu gây nguy hiểm cho trẻ như hố tôi vôi, hố lấy đất làm gạch, lấy cát, hố lấy nước tưới.
- Nhà ở vùng sông nước không có cửa chắn, hàng rào quanh nhà
- Cầu bắc qua sông suối không an toàn: Cầu không có lan can, cầu khỉ…
- Lũ lụt xảy ra thường xuyên
1.2. Nguyên nhân chủ quan
- Người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mức độ nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ dẫn đến đuối nước trẻ em.
- Do trẻ em, nhất là trẻ nhỏ có bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước mà không có sự giám sát, trông chừng của gia đình
- Không biết bơi, không biết các nguyên tắc an toàn khi bơi.
- Chơi gần ao, hồ, sông, rạch… hoặc đi bơi nhưng không có người lớn trông chừng.
- Không được trang bị những phương tiện bảo hộ (áo phao, phao cứu hộ) khi đi lại trên ghe, phà, đò…
- Cứu bạn chết đuối khi mình không biết bơi hoặc bơi không giỏi.
- Không khởi động kỹ trước khi bơi.
- Bị bạn bè kích động, thi bơi với nhau, bơi ở nơi nước sâu, chảy xiết
2. Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
Kêu gọi người cứu người bị đuối nước: hô hoán thật to để người xung quang có thể nghe đến hỗ trợ; nếu có nhiều người thì cử đi tìm thêm người lớn đến hỗ trợ.
Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây … để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước thì chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi. Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Khi nạn nhan gần bờ thì một tay bám chặt vào vật cố định, tay kia thò ra kéo nạn nhân
3. Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước
3.1. Nếu trẻ vẫn tỉnh, chỉ lo sợ hoảng hốt:
An ủi trẻ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên giúp nước, dịch thoát ra nhanh chóng (tư thế an toàn)
Kiểm tra và moi hết dị vật trong miệng và đường thở của trẻ.
3.2. Nếu trẻ bất tỉnh, thở yếu hoặc đã ngưng thở, lập tức sơ cứu theo các bước sau:
Bước 1: Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.
Bước 2: Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân dùng miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phòng
Bước 3: Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
Bước 4: Ủ ấm chống choáng
Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh táo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay cà phê rồi chuyển đến cơ sở y tế.
Thực hành hô hấp nhân tạo
4. Những việc làm không đúng cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não./.
Tác giả bài viết: Đặng Thị Kim Niên.